Chat, hay tán gẫu và giao tiếp qua Internet không còn xạ lạ với người dùng Việt Nam. Nhưng bạn đã biết cách tự bảo vệ mình khi chat? Dưới đây là những lưu ý để bạn có thể tự bảo vệ thông tin cá nhân cũng như máy tính tránh khỏi những mối hiểm họa từ Internet khi chat.
Chắc hẳn rằng trong chúng ta đã từng ít nhất 1 lần sử dụng các chương trình chat để tán gẫu với bạn bè. Theo thống kê của các hãng bảo mật, thì ngoài cách thức lây lan các chương trình độc hại thông qua các thiết bị gắn ngoài (như USB hoặc thẻ nhớ…) thì chat và email là cách thức lây lan phổ biến và thường mắc phải.
Đặc biệt, khi sử dụng các chương trình chat thông dụng (như Yahoo! Messenger, Skype hay MSN Messenger…) bạn có thể dễ dàng gửi cho bạn bè mình file, hình ảnh, bài hát… mà không thông qua bất cứ 1 sự kiểm tra nào của chương trình chat. Do vậy, bạn phải tự dựa vào chính mình để tự bảo vệ khi sử dụng các chương trình chat. Và dưới đây là 10 lời khuyên có thể sẽ hữu ích cho bạn:
1. Không sử dụng những thông tin thật của bản thân:
Khi đăng ký 1 tài khoản, mỗi chương trình chat sẽ yêu cầu bạn tạo 1 nick name (tên hiển thị khi chat), và nick name này thường là tài khoản email của bạn (như Yahoo! hay MSN). Do vậy, lời khuyên hữu ích cho bạn là đừng tạo những nick name có chứa những thông tin cá nhân quan trọng, bởi vì người khác có thể dựa vào những thông tin này để tìm ra danh tính của chính bạn hoặc lợi dụng vào một mục đích không hay nào đó.
2. Không chat với những người không có trong danh sách liên lạc:
Luôn luôn đảm bảo rằng những người có trong danh sách liên lạc (contact list) của bạn là những người quen biết và có thông tin rõ ràng. Việc chat với những người lạ mặt có thể dẫn đến nguy cơ bị lừa hoặc trở thành nạn nhân phát tán các phần mềm độc hại là rất cao. Đặc biệt, đừng tin bất cứ những thông tin nào mà họ cung cấp và luôn luôn phải xác nhận độ chính xác của thông tin đó trước khi thực hiện theo yêu cầu của chúng.
3. Không bao giờ click vào các đường link spam:
Một đường link spam sẽ có dạng như hình dưới đây:
Bỗng một ngày bạn nhận được 1 lời mời gọi “ngọt ngào” và kèm theo đó là 1 đường link thì cho dù chúng được gửi đến từ 1 nick quen thuộc hoặc từ bạn bè của mình, bạn cũng không nên bao giờ click vào chúng. Rất nhiều đường link trong số chúng một khi bạn đã click phải sẽ tự động cài đặt spyware hoặc các chương trình gây hại khác. Tuy nhiên, nếu đó là đường link của các trang web lớn và đáng tin cậy (như 1 đoạn video từ Youtube) thì bạn hoàn toàn có thể yên tâm để xem chúng.
4. Hạn chế chia sẽ file với bạn bè:
Các chương trình chat như Yahoo! Messenger (YM) cho phép bạn chia sẽ file với bạn mình thông qua giao thức mạng ngang hành (Peer-to-Peer). Điều này giúp bạn có thể nhanh chóng và dễ dàng gửi đi hoặc nhận về những file cần thiết. Tuy nhiên nhược điểm của chúng là chương trình chat đó không có chức năng kiểm tra xem các nội dung đó có “sạch sẽ” hay không. Do vậy, nếu 1 ai đó gửi đến cho bạn những nội dung “khả nghi”, đặc biệt là những file định dạng exe hoặc zip, rar thì cách tốt nhất là từ chối nhận chúng.
5. Phớt lờ những kẻ làm phiền bạn:
Nếu có 1 ai đó liên tục làm phiền bạn và gửi đến những thông tin không kiểm chứng, thì YM cung cấp cho bạn tính năng Ignore user hoặc Report as spam để bạn có thể phớt lờ hoàn toàn những người đó và họ không thể tiếp tục làm phiền bạn. Nếu sử dụng GTalk (dịch vụ chat của Google) thì bạn có thể sử dụng tùy chọn Block) với tính năng tương tự.
6. Không sử dụng các chương trình chat phiên bản cũ – Hãy nâng cấp!
Các chương trình chat phiên bản mới hơn thường cung cấp những tính năng mạnh mẽ hơn và đặc biệt là đã vá các lỗi bắt gặp ở các phiên bản trước, điều này đồng nghĩa với việc bạn có thể tránh khỏi bị tấn công bằng những lỗ hổng đã bị hacker phát hiện. Do vậy, hãy nâng cấp chương trình chat của mình lên phiên bản mới nhất ngay khi có thể.
7. Không download các plug-in từ những nguồn không rõ ràng:
Các chương trình chat luôn cung cấp cho người dùng các plug-in để nâng cao sự tính năng và hiệu quả sử dụng. Tuy nhiên, an toàn nhất vẫn là download các plug-in này từ trang chủ của chương trình thay vì download từ những nguồn không rõ nguồn gốc vì nguy cơ bị lây nhiễm những phần mềm độc hại từ chúng là rất cao.
8. Đừng quên log-out hoàn toàn:
Các chương trình chat như YM, nếu bạn click vào nút X ở góc phải chương trình thì thay vì thoát ra khỏi nick đã đăng nhập trên chương trình, bạn chỉ… đơn giản là đóng cửa sổ chương trình, và nếu máy tính được sử dụng chung (đặc biệt là sử dụng ở các quán net) thì những người dùng sau có thể sử dụng nick và danh sách liên lạc của bạn để làm bất cứ điều gì mà họ muốn. Thậm chí, họ còn có thể đọc email của bạn bằng cách click vào liên kết mail ngay trên cửa sổ YM.
Do vậy, hãy chọn Sign Out ngay khi nào không còn sử dụng máy để đảm bảo sự an toàn cho chính mình.
Ngoài ra, bạn cần lưu ý là nếu sử dụng máy dùng chung thì tuyệt đối không sử dụng tính năng lưu nick trên các chương trình chat. (Đối với YM là tùy chọn Remember my ID and Password).
Đặc biệt, để an toàn hơn, trong trường hợp sử dụng máy ở quán net, sau khi log-out hoàn toàn khỏi nick của mình, bạn có thể xóa toàn bộ thông tin đăng nhập trên máy bằng cách truy cập vào C:\Program Files\Yahoo!\Messenger\Profiles và xóa đi thư mục mang tên nick của bạn tại đây.
9. Sử dụng các trình duyệt tốt, tường lửa và các chương trình antivirus an toàn:
Như trên đã đề cập, đôi khi bạn click nhầm vào các đường link spam, hoặc đôi khi bạn lại download những file được gửi đến thông qua chương trình chat.
Do vậy, cách tốt nhất để tự bảo vệ mình khi chat là trang bị những “vũ khí” cho máy tính để chống lại mọi mối nguy có thể. Bạn có thể sử dụng các phần mềm bảo mật được CongNghe24h giới thiệu như Panda Cloud Antivirus PRO để bảo vệ an toàn cho máy tính của mình.
Lời kết:
Chat hay tán gẫu trên mạng là việc đối thoại hoàn toàn trực tiếp, nó mang nhiều tính cộng đồng hơn so với các mạng xã hội ảo hay diễn đàn… và một khi bạn đã lỡ tiết lộ thông tin cá nhân nào thì không cách nào có thể “cứu vãn” được, giống như một lời đã nói ra thì không thể thay đổi được. Do vậy, ngoài 9 lời khuyên trên, bạn vẫn luôn phải nhớ giữ các thông tin cá nhân của mình 1 cách chắc chắn và không tiết lộ chúng nếu không thực sự cần thiết.
Hy vọng, những lời khuyên trên sẽ giúp bạn tự bảo vệ mình khi chat và cũng để bảo an toàn cho chiếc “máy tính thân yêu”.